Bài
Ðọc I: Is 54, 1-10
"Chúa kêu gọi ngươi như gọi người
thiếu phụ sầu khổ".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa phán: Hỡi người son sẻ, hãy reo
mừng! Hãy vui mừng, hãy hân hoan, hỡi người không sinh nở. Vì
con cái người phụ nữ bị bỏ rơi sẽ nhiều hơn con cái người có đôi
bạn. Hãy mở rộng trại ngươi ở, hãy giăng trướng nhà ngươi, chớ
để chật hẹp; hãy giăng dây cho dài, đóng cọc cho chắc. Ngươi sẽ
bành trướng ra bên tả bên hữu, dòng dõi ngươi sẽ được các nước
làm gia nghiệp.
Ðừng sợ, vì ngươi sẽ không phải thất
vọng, đừng xấu hổ, vì ngươi sẽ quên sự hổ thẹn thời niên thiếu,
và nỗi nhục nhã của thời goá bụa, ngươi cũng quên đi. Vì Ðấng
thống trị ngươi là Ðấng đã tạo thành ngươi, Danh Ngài là Chúa
Thiên Binh; Ðấng Cứu Chuộc ngươi là Ðấng Thánh Israel, Người là
Thiên Chúa khắp địa cầu.
Chúa ngươi phán: như người thiếu phụ
bị bỏ rơi và sầu muộn, Chúa gọi ngươi. Sao có thể ly dị người vợ
trong buổi thanh xuân? Trong một thời gian ngắn, Ta đã bỏ ngươi,
nhưng với lượng từ bi, Ta sẽ đón nhận ngươi. Chúa Cứu Chuộc
ngươi phán: Trong cơn nóng giận, Ta đã ẩn mặt khỏi ngươi, nhưng
trong tình yêu vĩnh cửu, Ta xót thương ngươi. Cũng như trong
thời Noe, Ta đã thề rằng nước lụt Noe sẽ không tràn ra trên đất
nữa, thì Ta cũng thề rằng Ta sẽ không giận ngươi, không trách
ngươi nữa. Chúa thương xót ngươi phán: Dù núi dời, dù đồi
chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không hề thay đổi, và giao
ước bình an của Ta luôn vững bền.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và
13b
Ðáp: Lạy
Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa
vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy
Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con
khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca
mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài
chỉ trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt
đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng
vui hoan hỉ. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót
thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến
đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con. Lạy Chúa là Thiên
Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Này đây Chúa
đến để cứu dân Người. Hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước
Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 24-30
"Gioan là sứ thần dọn đường Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Luca.
Khi những người Gioan sai đến đi rồi,
Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì
ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi
xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng
ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các
ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn
hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: "Này đây
Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con". Ta nói
cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa
từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người
nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông".
Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả
những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa
của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý
định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Hôm nay, Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng,
Bài Phúc Âm theo Thánh ký Luca hôm nay là bài Phúc Âm chuyển
tiếp rất hay, rất khít khao với Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng
Sinh (17-24/12). Ở chỗ, chuyển từ Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là
vị được sai đến trước sang Đức Giêsu Kitô là Đấng đến sau
ngài.
Thật vậy, từ 3 ngày trong tuần cuối
cùng của Tuần II Mùa Vọng cho tới hôm qua, Thứ Tư Tuần III Mùa
Vọng, chúng ta thấy Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả xuất hiện qua
những lời Chúa Giêsu nói trong các bài Phúc Âm khác nhau. Thế
nhưng, hôm nay, trước khi bước vào Tuần Bát Nhật trước Giáng
Sinh, với những bài Phúc Âm liên quan trực tiếp hướng đến hay
dẫn đến biến cố Giáng Sinh, một Đức Giêsu Kitô xuất hiện nơi vấn
nạn được các môn đệ của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra cho
Người: "Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải
chờ đợi Ðấng nào khác?", trong Bài Phúc Âm hôm qua, mà
còn qua lời khen tặng vị tiền hô của chính mình trong Bài Phúc
Âm hôm nay, Chúa Kitô như xác nhận rằng Người thật sự là Đấng
đến sau vị tiền hô, đúng như vị tiền hô đã giới thiệu và báo
trước rằng dù là Đấng đến sau nhưng Người lại cao trọng hơn
chính vị tiền hô, như chúng ta sẽ thấy ở trong các bài phúc âm
được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho Tuần Bát Nhật trước đại lễ Giáng
Sinh (17-24/12).
Nếu để ý chúng ta
sẽ thấy, trong khi các bài Phúc Âm cho các Chúa Nhật trong Mùa
Vọng thì Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đóng vai chính trong sứ vụ
ngài nói về hay làm chứng hoặc giới thiệu Đấng đến sau ngài là
Chúa Giêsu Kitô, hay kêu gọi dân chúng dọn đường cho Đấng đến
sau ngài, thì ở những bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho các
ngày thường trong Mùa Vọng, chẳng hạn trong tuần III này, Chúa
Giêsu lại đóng vai chính trong việc nói về Vị Tiền Hô Gioan Tẩy
Giả của Người. Tại sao vậy?
Xin thưa, theo
cảm nhận và nhận thức của người viết ở đây, chính vì Tiền Hô
Gioan Tẩy Giả là một trong những tiên tri sát với Người, "tiên
tri của Đấng tối cao" (Luca 1:76), "nhận ra Người (xem Gioan
1:33 và Mathêu 3:13-14), làm chứng về Người (xem Gioan 1:34),
giới thiệu Người cho cả dân chúng lẫn môn đệ của ngài (xem Gioan
1:29, 36), và là hình ảnh về Người (xem Mathêu 17:10-13), đến
độ, nếu dân chúng thật sự tin tưởng vào vị tiền hô này thì mới
có thể nhận ra Người là Đấng Thiên Sai, Đấng đến sau nhân vật
đến trước mình, Đấng cao trọng và quyền năng hơn vị tiền hô của
mình, đúng như vị tiền hô đã xác nhận (xem Gioan 1:27, 30).
Sau này Chúa
Giêsu còn nói rõ Người, ngoài chứng từ do Người tự chứng về
Người, Người còn hai chứng từ nữa, một bởi trời là Cha của Người
và một bởi người ta là chính vị tiền hô Gioan Tẩy Giả của Người,
một chứng từ tuy không cao trọng bằng chứng từ bởi trời nhưng dù
sao vẫn cần thiết, bởi Người là một Vị Thiên Chúa hóa thân làm
người, một Ngôi Vị Thần Linh có hai bản tính:
"Nếu tôi làm
chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Ðấng
khác làm chứng về tôi và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là
lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và
ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời
chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điêu này để các
ông được cứu độ. Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã
muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần
tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là
những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính
những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai
tôi" (Gioan 5:31-36).
Thật vậy, vai trò
của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả thật là quan trọng và cần thiết, ở
chỗ, theo ý định thần linh cứu độ của Thiên Chúa, ngài cần phải
được sai đến trước để dọn đường cho Người là Đấng đến sau, nên
chính bản thân của vị tiền hô này cũng đã được thụ thai cách lạ
trước Người 6 tháng (xem Luca 1:36), và là vị "còn hơn một
tiên tri nữa", như Chúa Kitô đã minh định ngay trong bài
Phúc Âm hôm nay, bởi vì ngài còn là "sứ thần" của Thiên
Chúa, một vai trò tương đương với vai trò của sứ thần Gabiên từ
trời xuống truyền tin cho thân phụ của ngài (xem Luca 1:19), hay
cho thân mẫu của Chúa Giêsu (xem Luca 1:26), vị sứ thần đã được
Trời Cao sai đến với dân Do Thái nên đã được chính Thánh Kinh
Cựu Ước của dân này tiên báo, như Chúa Giêsu đã trích lại trong
lời Người nói về vị tiền hô của mình: "Này đây Ta sai sứ thần
Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con", và là vị
được Chúa Kitô trong cùng bài Phúc Âm hôm nay hết lời khen tặng,
khen tặng hết lời: "Ta nói cho các ngươi biết, trong các con
cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao
trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại
cao trọng hơn ông".
Chính vì cần phải
tin vào Tiền Hô Gioan Tẩy Giả được sai đến trước Chúa Kitô mới
có thể tin Chúa Kitô mà cuối bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca
đã viết cảm nhận của chính bản thân ngài là một trong hiếm nhân
vật được linh ứng viết ra Phúc Âm và là cuốn Phúc Âm thứ ba mới
quả quyết rằng: "Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những
người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của
Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định
của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho". Như
thế có nghĩa là, chỉ có ai thật lòng khao khát và trông đợi Đấng
Thiên Sai, một Đấng Thiên Sai đích thực của Thiên Chúa (chứ
không phải của loài người, theo ý riêng hay định kiến của loài
người liên quan đến quyền năng về chính trị), mới có thể nhận
biết vị "sứ thần" loài người này của Thiên Chúa, nhờ đó
mới sẵn sàng "chịu phép rửa của Gioan".
Vấn đề then chốt
được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô lại cần phải có tiền hô
dọn đường? Tự mình Người không thể tỏ mình ra cho dân Do Thái
được hay sao?? Xin thưa, theo cảm nhận và nhận thức của người
viết ở đây, vì Chúa Kitô là một Vị Thiên Chúa hóa thân làm
người, bởi thế, Con Người Lịch Sử Giêsu Nazarét là Thiên Chúa
Nhập Thể đây, là Đấng Thiên Sai Cứu Thế đây, nơi thân phận của
một con người thuần túy trước mắt thế gian, cần phải đươc một
nhân chứng trực tiếp giới thiệu cho chung dân chúng cũng như cho
riêng thành phần lãnh đạo và trí thức trong dân, nhờ đó họ mới
có thể nhận biết Người, mà nhân vật có thế giá nhất trong dân
bấy giờ không ai khác hơn là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, một con
người đã khiến chung dân chúng cảm phục và tin theo, mà còn làm
cho thành phần trí thức cùng lãnh đạo dân chúng phải thắc mắc
tưởng ngài là Đấng Thiên Sai (xem Gioan 1:19-27).
Tuy nhiên, ơn cứu
độ của Thiên Chúa bao gồm tất cả mọi người, nhất là những con
người có vẻ cứng lòng tin, giả hình, cao ngạo như thành phần
biệt phái và luật sĩ trong bài Phúc Âm hôm nay. Họ mới thật sự
đáng thương và cần phải cứu trước hết và trên hết. Phải chăng họ
chính là thành phần tiêu biểu trong dân Do Thái được Tiên Tri
Isaia nói tới trong Bài Đọc I hôm nay: 1- "son sẻ" không
sinh hoa trái bởi đời sống nông cạn thuần hình thức của họ; 2- "chật
hẹp" ở chỗ thiển cận theo phán đoán trần gian của họ về
những gì Thiên Chúa tỏ ra cho họ, nên họ cần phải "mở rộng"
con mắt đức tin để có thể "bành trướng ra bên tả bên hữu" là
sống lòng thương xót đối với tha nhân. Lời Chúa qua miệng tiên
tri Isaia đã kêu gọi và phấn khích họ như sau:
"Ðừng sợ, vì
ngươi sẽ không phải thất vọng, đừng xấu hổ, vì ngươi sẽ quên sự
hổ thẹn thời niên thiếu, và nỗi nhục nhã của thời goá bụa, ngươi
cũng quên đi. Vì Ðấng thống trị ngươi là Ðấng đã tạo thành
ngươi, Danh Ngài là Chúa Thiên Binh; Ðấng Cứu Chuộc ngươi là
Ðấng Thánh Israel, Người là Thiên Chúa khắp địa cầu. Chúa ngươi
phán: như người thiếu phụ bị bỏ rơi và sầu muộn, Chúa gọi ngươi.
Sao có thể ly dị người vợ trong buổi thanh xuân? Trong một thời
gian ngắn, Ta đã bỏ ngươi, nhưng với lượng từ bi, Ta sẽ đón nhận
ngươi. Chúa Cứu Chuộc ngươi phán: Trong cơn nóng giận, Ta đã ẩn
mặt khỏi ngươi, nhưng trong tình yêu vĩnh cửu, Ta xót thương
ngươi. Cũng như trong thời Noe, Ta đã thề rằng nước lụt Noe sẽ
không tràn ra trên đất nữa, thì Ta cũng thề rằng Ta sẽ không
giận ngươi, không trách ngươi nữa. Chúa thương xót ngươi phán:
Dù núi dời, dù đồi chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không
hề thay đổi, và giao ước bình an của Ta luôn vững bền".
Phụ Thêm: Tiền
Hô Gioan Tẩy Giả - Dấu Báo Đấng Thiên Sai Cứu Thế
Tiền Hô Gioan Tẩy Giả - Dấu Báo Đấng
Thiên Sai Cứu Thế, có thể nói,
được chứng thực và tỏ hiện qua tiến
trình Phúc Âm trong một thời gian 8 ngày liền, ngay trước Tuần
Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh (17-24/12).
Thật vậy, tiến trình từ Tiền Hô Gioan
Tẩy Giả đến Đấng Đến Sau là Chúa Giêsu Đấng Thiên Sai Cứu Thế,
được Giáo Hội sửa soạn bằng những bài Phúc Âm trực tiếp liên
quan đến vị Tiền Hô của Chúa Kitô, vị được chính Chúa Kitô là
Đấng Đến Sau nói về như một nhân vật lịch sử đã đến trước của
mình, không phải là để Người làm chứng về vị tiền hô của mình,
như chính vị tiền hô làm chứng về Người, mà là để chứng thực
Thánh Gioan Tẩy Giả quả thực là Vị Tiền Hô của Người, xứng đáng
là Tiền Hô của Người, liên quan đến cả bản thân, ơn gọi, cũng
như sứ vụ với sứ điệp cùng hoạt động của vị tiền hô này. Đó là
lý do, từ Thứ 5 tuần thứ II Mùa Vọng đến hết Thứ 6 tuần thứ III
Mùa Vọng (tới Thứ 6 Tuần III Mùa Vọng chỉ khi nào Lễ Giáng Sinh
rơi vào Chúa Nhật), ngay trước Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh
(17-24/12).
Chúng ta có thể thấy được toàn bộ 8
bài Phúc Âm về Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong Mùa Vọng hằng năm của
Giáo Hội theo chiều kích Mùa Vọng - Chân Trời Giáng Sinh, nghĩa
là theo chiều hướng ngưỡng vọng đến Chúa Kitô Cao Trọng Đến Sau
Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, và cũng ngay trong chiều hướng từ Tiền Hô
đến Đấng Thiên Sai Cứu Thế này, trước hết, chúng ta thấy được
rằng không ai được Chúa Kitô nói đến hay nói về nhiều, (còn hơn
là Mẹ Maria hay bất cứ một tông đồ nào nữa), như Tiền Hô Gioan
Tẩy Giả, nhưng từ vị tiền hô này của mình, Người muốn tỏ mình ra
Người thực sự là Đấng Đến Sau cao trọng hơn chính Vị Tiền Hô
Gioan Tẩy Giả của Người, như chúng ta có thể phân tách từng bài
phúc âm theo thứ tự sau đây:
Phúc Âm Thứ 5 Tuần II Mùa Vọng: "Trong
các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao
trọng hơn Gioan Tẩy Giả... chính Gioan là Elia, kẻ phải đến".
Qua câu nói này, Chúa Giêsu muốn nói về một con người được Thiên
Chúa tuyển chọn để làm Tiền Hô cho Con Ngài, và vì thế nên con
người ấy cần phải xứng đáng với vai trò Tiền Hô của mình, ở chỗ
được truyền tin thụ thai cách lạ, được trời cao đặt tên cho, và
được tràn đầy Thánh Linh ngay trong lòng mẹ khi mới là một thai
nhi 6 tháng tuổi v.v. (xem Luca 1:13,41), những đặc ân xứng hợp
với vị Tiền Hô này, như những đặc ân mà người nữ được Thiên Chúa
chọn là Mẹ của Đấng Đến Sau ngài cũng cần phải đươc trang bị,
xứng là một đệ nhất tạo vật về ân sủng.
Phúc Âm Thứ 6 Tuần II Mùa Vọng: "Gioan
đến, không ăn không uống...". Bằng câu nói này, Chúa Giêsu
muốn nói đến nhân cách và đức hạnh trổi vượt nơi Vị Tiền Hô của
Người, một nhân vật không chiều theo khuynh hướng tự nhiên như
chung loài người bị nhiễm nguyên tội với bản tính đã bị hư đi,
mang mầm mống tội lỗi, với đầy những đam mê nhục dục và tính mê
nết xấu, luôn hướng hạ về những gì là trần tục phù du giả dối,
và chính đời sống khắc khổ cả về nơi trú ngụ, lẫn thực phẩm và y
phục của nhân vật Tiền Hô này như thế, mới có thể và xứng đáng
loan báo và phản ảnh Người là Đấng Đến Sau, Đấng đã sống trong
hoang địa 40 ngày đêm để chay tịnh (x Mathêu 4:1-11) đã luôn tìm
những nơi hoang vắng để cầu nguyện.
Phúc Âm Thứ 7 Tuần II Mùa Vọng: "Elia
đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông
như ý họ.... Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về
Gioan Tẩy Giả". Đến đây Chúa Giêsu xác nhận vai trò của Tiền
Hô Gioan Tẩy Giả, ở chỗ, ngài quả thực là Tiền Hô của Người, vì
ngài đóng vai Elia cần phải đến trước để dọn đường cho Người là
dân Do Thái và lòng dân, như Tiên Tri Elia ngày xưa, vị tiên tri
đã làm cho dân Do Thái đã bỏ Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất
của họ mà ngoại tình với tà thần Baan, mãi cho đến khi được tỏ
tường chứng kiến thấy phép lạ nhãn tiền, từ lời chuyển cầu thần
thế đầy tin tưởng của vị đại tiên tri Elia này (xem 1 Chư Vương
18:1-40), họ mới có thể trở về với Thiên Chúa.
Phúc Âm Thứ 2 Tuần III Mùa Vọng: "Phép
Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?" Câu
chất vấn này, cũng chính là cầu Chúa Giêsu trả lời cho thành
phần trưởng tế và kỳ lão có thẩm quyền ở Đền Thờ Giêrusalem muốn
xem Người lấy quyền nào mà dám ra tay thanh tẩy đền thờ, đánh
đuổi thành phần buôn bán trong đền thờ đã được họ cho phép, và
cho dù họ không dám trả lời cho Người thì họ vẫn không thể nào
phủ nhận được sự thật của vấn đề được Chúa Giêsu gợi ý đặt ra
cho họ, hoàn toàn vì lợi ích thiêng liêng của họ, sự thật đó là
phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả chỉ là phép rửa thống hối,
"bởi người ta", một dấu chứng thực lòng thống hối của những ai
lãnh nhận, như thành phần thu thuế và gái điếm tin vào ngài, và
là một cách thức dọn mình xứng đáng để lãnh nhận Phép Rửa tha
tội "bởi trời" của Người, sau khi Người Vượt Qua, bằng lòng tin
vào Người là Đấng Thiên Sai Cứu Thế.
Phúc Âm Thứ 3 Tuần III Mùa Vọng: "Gioan
đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin
ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài". Ở
đây, với câu này, Chúa Giêsu muốn nói đến một Tiền Hô "công
chính" của Người, một thứ công chính không phải như kiểu giả
hình của thành phần biệt phái và luật sĩ Do Thái, mà là một thứ
công chính trong chân lý, ở chỗ, ngài chẳng những "không ăn
không uống" trong "sa mạc", hơn là ở ngoài đường phố hay chiếm
chỗ danh dự nơi các bữa tiệc như thành phần công chính giả hình,
mà còn chối bỏ bản thân mình, không phải là Đấng Thiên Sai, hơn
là tiếng kêu trong hoang địa, loan báo Đấng Đến Sau cao trọng
hơn, đến độ, ngài không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người,
đúng như ngài đã công khai tự thú và làm chứng, khi thấy dân
chúng bắt đầu kéo đến với Đấng Đến Sau hơn ngài: "Ngài phải
lớn lên còn tôi phải nhỏ đi" (Gioan 3:30).
Phúc Âm Thứ 4 Tuần III Mùa Vọng: "Các
ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã
thấy". Câu nói này của Chúa Giêsu nhắn gửi cho Vị Tiền Hô
của Người, bấy giờ đang bị quận vương Hêrôđê nhốt vào ngục, ngay
từ khi Người bắt đầu công khai thừa tác vụ của Người, không hẳn
là Người cho rằng vị Tiền Hô của Người đã tỏ ra hồ nghi về Người
là Đấng Đến Sau, Đấng ngài nghe các môn đệ của ngài thuật lại có
hành vi cử chỉ cấp tiến, như để cho các môn đệ sống thoải mái
chẳng chay tịnh gì, thậm chí để cho họ lỗi luật Ngày Hưu Lễ
nữa..., nên ngài cần phải sai hai môn đệ đến chất vấn xem "Người
có phải là Đấng phải đến hay chăng?", trái lại, những gì
Người nhắn cho ngài, qua các môn đệ của ngài, là cố ý nhắm đến
chính các môn đệ của ngài, thành phần cần phải thấy ứng nghiệm
những gì thày họ nói về Đấng Đến Sau quyền năng hơn thày họ, ở
chỗ Người thương xót chữa lành.
Phúc Âm Thứ 5 Tuần III Mùa Vọng: "Ta
bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có
lời chép rằng: 'Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ
dọn đường cho con'". Đến đây Chúa Giêsu nói đến vai trò Tiền
Hô của Gioan Tẩy Giả, một vai trò còn cao trọng hơn cả vai trò
tiên tri như trong Cựu Ước nữa, hay nói đúng hơn, Tiền Hô Gioan
Tẩy Giả chẳng những là vị tiên tri, bởi cũng nói tiên tri, nói
về tương lai, về Đấng Đến Sau, mà còn là một đại tiên tri, vì là
vị tiên tri duy nhất trong các tiên tri, được báo trước bởi
chính vị tiên tri trước ngài là tiên tri Isaia, thậm chí còn hơn
thế nữa, ngài còn là chứng nhân của Chúa Kitô, của Đấng Đến Sau,
Đấng mà ngài chưa hề gặp hay quen biết để mà làm chứng, như
thành phần các tông đồ sau này, nhờ được mắt thấy tai nghe đụng
chạm (1Gioan 1:1), nghĩa là được trực tiếp sống với Chúa Kitô 3
năm, (sau khi phản Thày, bỏ Thày và chối Thày), mới có thể nhận
biết Người mà làm chứng cho Người, nhất là Vị Tiền Hô còn đóng
vai "bạn của chàng rể", giới thiệu chàng rể với cộng đồng dân
Chúa nữa, như vị trung gian giữa Cựu Ước và tân Ước vậy (xem
Gioan 3:29)
Phúc Âm Thứ 6 Tuần III Mùa Vọng: "Gioan
là đèn cháy sáng, và các ngươi trong một lúc đã vui mừng vì ánh
sáng đó. Nhưng phần Ta, Ta có chứng cao trọng hơn chứng của
Gioan". Câu cuối cùng này, trong loạt 8 bài Phúc Âm liền về
Tiền Hô Gioan Tẩy Giả trong Mùa Vọng, của Chúa Kitô cho chúng ta
thấy tất cả sự thật về ơn gọi và vai trò Tiền Hô của Thánh Gioan
Tẩy Giả, và ý nghĩa cùng mục đích của những gì Người nói về vị
Tiền Hô vô tiền khoáng hậu này của Người, trong suốt 7 ngày qua,
ở các bài Phúc Âm chúng ta đã theo dõi và phân tích, đó là "Gioan (chỉ) là
đèn cháy sáng" thôi, Người mới là "ánh sáng thế gian"
(Gioan 8:12), Đấng, khi "hóa thành nhục thể" (Gioan
1;14), là "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Gioan 1:5), bởi
thế, đúng như Thánh Ký Gioan đã khẳng định trong đoạn mở đầu
phúc âm của mình về mối liên hệ bất khả phân ly, nhưng vô cùng
cách biệt, giữa vị Tiên Hô Gioan Tẩy Giả với Đấng Thiên Sai Cứu
Thế đến sau ngài như thế này: "Có một người được Thiên
Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng
về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông
không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi
người". (Gioan
1:6-9).
Thế rồi, trong
chính Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng Sinh (17-24/12), Vị Tiền Hô
Gioan Tẩy Giả nổi bật này còn được 4/8 bài Phúc Âm trực tiếp
trình thuật lại nữa, vì ngài bất khả phân ly với Đấng Thiên Sai
Cứu Thể, trong cả mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh của Người, đó
là các bài Phúc Âm cho ngày thứ ba trong Tuần Bát Nhật 19/12,
ngày thứ năm trong Tuần Bát Nhật 21/12, ngày thứ bảy và thứ tám
trong Tuần Bát Nhật là 23 và 24/12, như chúng ta sẽ theo dõi và
suy niệm trong từng ngày trong Tuần Bát Nhật trước Lễ Giáng
Sinh, tức trước Khi "Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng
ta. Chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của
Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý"
(Gioan 1:14)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ
trên
MV.III-5.mp3